Lịch sử Đài_Truyền_hình_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh

Giai đoạn khai sinh truyền hình tại Việt Nam, 1965-1966

Trụ sở đài THVN9 (trong ảnh ghi là Vietnamese TV station) và đài AFVN với tháp truyền hình đầu tiên của Việt Nam cao 128m xây dựng năm 1966. Đây là khu vực của trụ sở HTV ngày nay. Ảnh: Manh Hai.

Năm 1965, Đài Truyền hình đầu tiên của Việt Nam được thành lập là Đài Truyền hình Việt Nam (không phải Đài Truyền hình Việt Nam hiện nay), do Tổng cục Truyền thanh - Truyền hình và Điện ảnh điều hành dưới quyền Bộ Dân vận, Việt Nam Cộng Hòa. Giám đốc đầu tiên của THVN là Trung tá Đỗ Việt, Phó Giám đốc là ông Lê Hoàng Hoa. Trụ sở và địa điểm thu hình của đài ban đầu là một trường quay nhỏ ở Trung tâm Điện ảnh Quốc gia, số 15 Thi Sách, Sài Gòn.

Cùng lúc với việc thiết lập THVN, hệ thống phát thanh - truyền hình của Quân đội Mỹ cũng hình thành. Đài này lúc đầu gọi là AFRTS (American Forces Radio and Television Service), đến năm 1967 đổi thành AFVN (American Forces Vietnam Network). Đài phát bằng tiếng Anh, đối tượng phục vụ chính là binh lính Mỹ đang làm việc tại miền Nam. Trụ sở chính của AFVN nằm ở số 9 Hồng Thập Tự, Sài Gòn (nay là số 9 Nguyễn Thị Minh Khai).

Ngày 22/01/1966, chương trình truyền hình thử nghiệm đầu tiên được phát sóng. Sau đó 2 tuần, ngày 07/02/1966, truyền hình chính thức phát sóng tại miền Nam. Trong thời gian đầu, do chưa có tháp truyền hình nên việc phát sóng được thực hiện bằng kỹ thuật stratosvision, nghĩa là dùng trực thăng để phát sóng. Các chương trình kể cả tin tức đều được thu vào băng từ (video tape) rồi được chuyển lên máy bay Super Constellation bốn động cơ. Mỗi tối, máy bay này chở hàng tấn máy móc rời phi trường Tân Sơn Nhứt lên tới độ cao ổn định là 3.150 m tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32 km, rồi từ đó bay theo một lộ trình không thay đổi, lặp lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/giờ. Trong máy bay có hai máy phát hình mạnh 2.000 kW, hai máy thu hình và tiếng vào băng, hai hệ thống kiểm soát âm thanh, hai hệ thống vô tuyến điện ảnh dùng phim 16 ly. Sóng truyền hình từ trực thăng có thể thu được ở những nơi xa Sài Gòn như Đà Nẵng, Cà Mau hoặc Phnom Penh (Campuchia), nhưng chỉ Sài Gòn và các tỉnh lân cận mới có chất lượng hình ảnh & âm thanh hoàn hảo. Các chương trình được phát sóng suốt 4 giờ liên tục từ 19:00 đến 23:00 mỗi ngày, bao gồm 2 phần: Phần đầu từ 19:00-20:00 là chương trình của THVN, từ 20:00-23:00 là chương trình của AFVN.

Tiếp đến, AFVN tiến hành xây đựng tháp truyền hình. Việc xây dựng diễn ra rất nhanh, các kết cấu thép được lắp ráp sẵn dưới đất theo từng đoạn và dùng máy bay trực thăng đưa lên. Chỉ sau một thời gian ngắn, ngày 25/10/1966, tháp truyền hình đầu tiên của Việt Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thay thế cho việc phát sóng bằng máy bay trực thăng trước đó. Tháp cao 128m, là nơi đặt anten phát sóng Kênh 9 của THVN (được gọi là THVN9 từ đó), Kênh 11 và FM 99.9 MHz của AFVN.

Năm 1967, Điện ảnh và Truyền hình tách riêng, Đài THVN9 chuyển về số 9 Hồng Thập Tự - cùng địa chỉ với AFVN nhưng có tường ngăn.

Các năm sau đó, hệ thống AFVN tiếp tục được mở rộng. Ngoài trụ sở chính tại Sài Gòn, Đài này còn có nhiều văn phòng và trạm tiếp sóng rải đều khắp Việt Nam Cộng Hòa: Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, Pleiku, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Cần Thơ.

Ở giai đoạn này, truyền hình hoàn toàn chưa được nhắc tới tại miền Bắc.

Giai đoạn phát triển thời VNCH, 1967-1975

Hoàng Trọng và ban Tiếng Tơ Đồng trong một chương trình ca nhạc trên THVN9 năm 1968.

Chương trình phát hình của THVN9 bắt đầu từ lúc 18:00, bắt đầu bằng nhạc hiệu: "Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…" với hình ảnh các thắng cảnh Việt Nam. Một số chương trình tiêu biểu có nhiều người xem như: Hoa thế hệ (giới thiệu những diễn viên nhí cải lương, hồ quảng… Nghệ sĩ Phượng Mai xuất thân và nổi bật trong chương trình này), Ban thiếu nhi Tuổi Xanh của bà Kiều Hạnh, chương trình thiếu nhi Xuân Phát của nghệ sĩ Xuân Phát, chương trình thiếu nhi Hoa bách hợp của Hội Hướng Đạo Việt Nam, chương trình ca nhạc thiếu nhi Nguyễn Đức của nhạc sĩ Nguyễn Đức (các ca sĩ nữ có họ Phương đều xuất thân từ lò đào tạo Nguyễn Đức: Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế…), Ban thiếu nhi Gió Khơi chuyên biểu diễn hòa tấu đàn mandolin và các tiết mục múa về quê hương (do thầy Hưng và cô Phấn nhà ở đường Nguyễn Tiểu La, Quận 10 sáng lập), chương trình Đố vui để học do Vũ Khắc Khoan điều khiển, Đinh Ngọc Mô phụ trách. Sau đó là chương trình thời sự, tin tức. Lúc đó là thời chiến nên THVN9 thường phát các bản tin chiến sự ở 4 vùng chiến thuật. Các bản tin này được xen kẽ vào nội dung các chương trình giải trí: Cải lương (lúc đầu phát hình vào mỗi tối Thứ Ba, sau đó đổi qua Thứ Bảy) có các đoàn: Thanh Minh – Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Minh Tơ, Huỳnh Long… Ca vũ nhạc: Hoàng Thi Thơ, chương trình tạp lục Tùng Lâm… Kịch nói có các đoàn: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Vũ Đức Duy…

Điều rất bất ngờ và cũng có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người là chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, THVN9 đã tổ chức cuộc thi tuyển lựa Hoa hậu truyền hình. Chi tiết này cho thấy sự năng động, sáng tạo: “nhằm mục đích góp phần linh động chương trình phát sóng hằng tuần của đài”; và nhanh nhạy tiếp thu cái mới: “như các đài ngoại quốc thường làm”. Cuộc thi diễn ra trong vòng 4 tháng, từ 06/1967 đến 09/1967[4].

Thời lượng phát hình của THVN9 vào đầu thập niên 1970 là 6 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 18:00 và kết thúc vào nửa đêm. Khi đó, 80% dân số ở miền Nam có thể bắt sóng xem được. Tính bình quân cứ mỗi 50 người dân thì có một ti vi; tổng cộng hơn 350.000 máy trên toàn quốc. Ngân sách của THVN9 vào năm 1970 là 1,3 triệu Mỹ kim.

Cùng với sự phát triển của THVN9, năm 1972, Truyền hình Đắc Lộ cũng được thành lập. Đây là một hãng truyền hình tư nhân thuộc Giáo hội Công giáo VNCH, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành và có trụ sở tại số 171 Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng). Truyền hình Đắc Lộ không có kênh phát sóng riêng mà chỉ sản xuất các chương trình khoa giáo để phát sóng trên THVN9, tập trung vào việc truyền đạt kiến thức cơ bản để nâng cao cuộc sống và phẩm giá người nghèo.

Năm 1972, AFVN bắt đầu giảm hoạt động và ngày 22/03/1973, sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, AFVN chấm dứt hẳn. Hầu hết cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật của AFVN được chuyển giao cho THVN9 quản lý. Mạng lưới của THVN9 vì thế đã mở rộng ra toàn Việt Nam Cộng Hòa.

23:58 ngày 29/04/1975, sau 10 năm tồn tại, THVN9 kết thúc buổi phát hình cuối cùng của mình bằng lời chào như thường lệ và Quốc ca. Chiều ngày 30/04/1975, đoàn tiếp quản kế thừa toàn bộ cơ sở vật chất của đài, đổi tên thành Đài Truyền hình Sài Gòn Giải Phóng (SGGP).

Giai đoạn sau thống nhất, 1975-1985

Sau một đêm Sài Gòn không có truyền hình, đúng 19:00 ngày 01/05/1975, ông Lê Minh Hiền - nhà báo từ Hà Nội vào, đã phát lệnh cho Đài Truyền hình SGGP phát sóng chương trình phát hình đầu tiên. Trên màn ảnh nhỏ xuất hiện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam bay phấp phới trong tiếng quân thiều (bài Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng). Rồi hai phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh và Nguyễn Hữu Phước xuất hiện. Mỹ Hạnh cất giọng đọc: "Đây là đài vô tuyến truyền hình SGGP, phát đi từ Sài Gòn. Kính chào đồng bào ruột thịt và yêu quý! Kể từ giờ phút lịch sử và xúc động này, hồi 11:30 ngày 30/04/1975, thành phố anh hùng và vinh quang của chúng ta đã được giải phóng…”. Thời khắc ấy cũng là dấu mốc quan trọng mở ra chặng đường phát triển mới của Đài truyền hình TP.HCM.

Huyện Trìa (Thanh Điền) và Thị Hến (Thanh Kim Huệ) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến, do HTV ghi hình năm 1982. Đây là một trong những vở cải lương đặc sắc của Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 và đã được phát đi phát lại rất nhiều lần trên HTV vào thập niên 1980.

Theo kỹ sư điện thanh - nhạc sĩ Vĩnh Lai thì sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, ngày 12/04/1975, Ban Tuyên huấn Trung ương đã quyết định thành lập một đoàn gồm 12 người đang làm việc tại Cục Kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc 15:45 ngày 30/04/1975, đoàn vào chiếm lĩnh THVN9.

Đêm tiếp quản Đài THVN9, đoàn tiếp quản phải nằm ngủ ngoài hành lang, không dám vào khu trung tâm vì bị cài bom. Sau khi kiểm tra thấy toàn bộ thiết bị, máy móc của đài vẫn còn nguyên vẹn nên báo cáo lên Ban Quân quản và lãnh đạo đài, được lệnh: “Cố gắng thực hiện chương trình phát sóng ngay trong đêm 01/05/1975”. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên trách về kỹ thuật của đoàn tiếp quản khi ấy còn rất lạ lẫm với các máy móc thiết bị hiện đại của THVN9.

Rất may, trong buổi sáng hôm đó có một vài nhân viên cũ đến trình diện. Họ cùng các nhân viên cũ và đoàn tiếp quản vận hành máy móc, chuẩn bị ổn thỏa cho đêm phát hình đầu tiên thành công, ấn tượng[5].

Không được như Sài Gòn, truyền hình tại các tỉnh thành khác ở miền Nam ngưng hoạt động và chịu sự quản lý của đoàn tiếp quản. Nhiều máy móc, thiết bị tại các nơi này (và cả ở Sài Gòn) được vận chuyển ra Hà Nội sau đó để bổ sung cơ sở vật chất vốn rất nghèo nàn và lạc hậu cho Đài Tiếng nói Việt Nam (nơi được cho là đang phát sóng một kênh truyền hình từ năm 1973). Các cơ sở truyền hình tại Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Cần Thơ trở thành tài sản của Đài Truyền hình Trung Ương, còn lại được quản lý bởi các đài phát thanh - truyền hình địa phương.

Cùng thời điểm sau ngày thống nhất, Dòng Tên Sài Gòn đã chủ động hiến khu vực Truyền hình Đắc Lộ, bao gồm phim trường và toàn bộ trang thiết bị cho chính quyền mới tiếp quản. Lúc kiểm tra kho băng video tại đây, đoàn quản lý Truyền hình SGGP đã hết sức ngạc nhiên và vui mừng vì nội dung không hề đề cập đến tôn giáo, trong khi tất cả nhân sự sản xuất các chương trình đó đều là tu sĩ. Vậy là, ngày 03/10/1975, hãng Truyền hình Đắc Lộ mở cửa trở lại với tên mới "Truyền hình SGGP cơ sở 2", các chương trình giáo dục theo đó quay trở lại sóng truyền hình SGGP sau 5 tháng gián đoạn. Ban quản lý của cơ sở 2 này gồm có Giám đốc Hồ Vĩnh Thuận, Trưởng phòng Chuyên mục Khái Hùng, Phó phòng Mai Thành (nữ tu, phụ trách Giáo dục Thiếu nhi).

Ngày 02/07/1976, Sài Gòn chính thức được đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình SGGP cũng được đổi thành Đài Truyền hình TP.HCM (HTV).

Từ năm 1975 đến năm 1981, với vai trò là đài khu vực Nam Bộ, HTV đã giúp đỡ cho các đài phía Nam (đây cũng là các chi nhánh của đài trước 1975) khôi phục lại cơ sở vật chất hoặc xây dựng thêm. Năm 1981, HTV được chuyển giao về UBND TP.HCM và hạ cấp thành Đài truyền hình địa phương. Cơ sở 2 của đài được giao lại cho Đài Truyền hình Trung Ương quản lý.

Cũng như tình hình chung của xã hội bao cấp, trong giai đoạn này, HTV phải hoạt động trong sự thiếu hụt kinh phí triền miên. Biên chế có lúc lên đến hơn 1.200 người nhưng lao động thực tế lại thiếu trầm trọng, chính sách tiền lương bất cập, chế độ thù lao - nhuận bút lạc hậu... khiến nội bộ đài rất bức xúc. Nhiều người cũ của THVN9 không chịu nổi đã xin chuyển cơ quan hoặc về hưu sớm.

Giai đoạn đổi mới, 1986-1993

Tình hình HTV ngày càng bi đát, đến mức chỉ vì thiếu tiền cải tạo hệ thống điện đã quá cũ kỹ mà đêm 23/8/1987, trận hỏa hoạn lớn xảy ra thiêu hủy toàn bộ trung tâm truyền hình, chỉ còn lại đài phát sóng và bộ phận tư liệu. Tuy nhiên, ngay đêm hôm sau, 24/08/1987, HTV chuyển qua phát hình màu và chấm dứt hệ đen trắng, tạo ra một bước ngoặt lịch sử mới cho ngành truyền hình Việt Nam.

Khoảng năm 1986, đài cho lên sóng trở lại kênh FM 99.9 MHz, với tên gọi là đài "Tin tức - Ca nhạc và Báo giờ". Đây là kênh FM duy nhất của Việt Nam tại thời điểm đó, phát sóng từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm. Nội dung của FM 99.9 MHz bao gồm báo giờ (chuông và phát thanh viên đọc "Bây giờ là ... giờ"), tiếp đến là tin tức đầu giờ (khoảng 5-10 phút), sau đó là các chương ca nhạc, ca cổ, nhạc hòa tấu và thính phòng (có giờ phát nhất định cho mỗi thể loại nhạc) cho đến đầu giờ tiếp theo. Nội dung ca nhạc, ca cổ Việt Nam do đài tự ghi âm hoàn toàn. Có khi đài cũng phát các vở cải lương dài nhưng cắt ra nhiều phần để phù hợp với cấu trúc phát sóng. Tuy cùng lúc quản lý cả truyền hình và kênh phát thanh FM nhưng đài chưa bao giờ dùng tên "Phát thanh - Truyền hình TP.HCM". Người nghe cũng sẽ không thể nhận ra mối liên hệ nào giữa FM 99.9 MHz với Kênh 9 của đài, trừ việc phát thanh viên truyền hình cũng là người đọc tin tức trên sóng FM 99.9 MHz.

Kịch và ca nhạc là 2 thể loại nổi bật trên HTV từ đầu thập niên 1980, và phát triển rất mạnh trong giai đoạn này. Các vở chính kịch vào các ngày thứ bảy thu hút đông đảo khán giả. Đặc biệt, kịch hài Trong nhà ngoài phố mỗi tối Thứ Năm và Táo quân đêm giao thừa với sự dẫn dắt của hai đạo diễn Trần Văn Sáu và Thế Ngữ đã tạo hiệu ứng mạnh trong xã hội: Các văn nghệ sĩ nổi tiếng của miền Nam khi đó đều có điểm xuất phát từ đây, nhiều thuật ngữ, câu nói trong Trong nhà ngoài phố thành câu cửa miệng trong đời sống.

Năm 1986, bên cạnh Kênh 9 đang phát sóng, HTV bắt đầu phát thử nghiệm Kênh 7 (nay là HTV7). Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Kênh 7 đã lên sóng chính thức với chức năng là kênh Dịch vụ - Thông tin rao vặt của HTV. Cùng với sự ra đời của Kênh 7, lần đầu tiên quảng cáo chính thức quay lại trên sóng truyền hình kể từ sau năm 1975 và cũng là lần đầu tiên một đài truyền hình của Việt Nam phát 2 kênh có nội dung độc lập. HTV bắt đầu có nguồn thu từ đó.

Từ năm 1990, HTV bắt đầu chuyển hướng bằng việc đề xuất với cấp trên cho phục hồi tính năng kinh tế của ngành truyền hình. Tập thể lãnh đạo đài đã mạnh dạn thử nghiệm ứng dụng các chế độ nhằm kích thích tăng năng suất, điều tiết lao động, giảm biên chế, thí điểm xây dựng chế độ thù lao nhuận bút mới, triệt tiêu dần chế độ bình quân chủ nghĩa, đồng thời tập hợp được đông đảo lực lượng cộng tác viên có tay nghề cao. Chất lượng chuyên môn từ đó cũng ngày càng được nâng lên.

Năm 1989, HTV bắt đầu thực hiện việc "xã hội hóa" bằng việc kêu gọi tài trợ cho Cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP.HCM. Từ thành công đó, HTV tiếp tục kêu gọi tài trợ cho cuộc thi Tiếng hát Truyền hình năm 1991, các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương và nhiều chương trình truyền hình khác.

Phim ảnh là nội dung được HTV rất quan tâm, như phim Cô Nhíp năm 1976 là một ví dụ. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí nên hoạt động này tạm ngưng. Đến năm 1991, HTV mới chính thức thành lập Hãng phim Truyền hình TFS, đưa việc sản xuất phim và phim tài liệu qua một giai đoạn mới. Ban đầu, TFS tập trung sản xuất các phim lẻ theo kiểu điện ảnh, mở màn là Giữa dòng và gặt hái một kỷ lục về giải thưởng. Sau đó, hãng bắt đầu làm các phim dài tập với sự mở màn của Người đẹp Tây Đô, tạo ra tiếng vang lớn và gắn "danh hiệu" này với nữ diễn viên Việt Trinh từ đó. Các bộ phim tiếp theo tiếp tục đưa tên tuổi TFS lên tầm cao như Xóm nước đen, Đất Phương Nam, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Ngọn nến hoàng cung, Blouse trắng...

Giai đoạn phát triển mạnh, (1994 -2007)

Năm 1994 là năm HTV thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ nhất, từ việc đưa ra biểu trưng HTV đầu tiên đến việc tăng mạnh thời lượng phát sóng lên 18 giờ/ ngày cho cả hai kênh HTV7 và HTV9. Cũng từ năm 1994, HTV bắt đầu tự chủ về tài chính, trở thành đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp.

Về doanh thu, năm 1994 là năm đầu HTV có lợi nhuận gần 72 tỷ đồng. Tới năm 2004 là 600 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ năm 1994-2004 (11 năm) là trên 3.000 tỷ đồng, đóng thuế gần 1.500 tỷ đồng. Về mặt đầu tư trang thiết bị, từ năm 1997-2004, HTV đã chi trên 400 tỷ đồng thay thế 100% thiết bị cũ không đồng bộ, phát triển hệ thống kỹ thuật hoàn thiện ngang tầm với các nước trong khu vực, tạo ra khả năng hợp tác trên lĩnh vực sản xuất chương trình với khu vực và quốc tế.

Ngày 01/09/1997, máy phát sóng FM 99.9 MHz được chuyển giao cho Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM theo kế hoạch tái cấu trúc của thành phố. Nhân sự cũ của FM 99.9 MHz vẫn thuộc biên chế của đài và chuyển sang phục vụ cho truyền hình.

Năm 1999, HTV đưa vào vận hành hệ thống phát băng betacam tự động cho hai kênh HTV7, HTV9. Đó là hệ thống phát hình hiện đại nhất trên thế giới mà HTV là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu cho đến khi truyền hình Việt Nam chấm dứt sử dụng băng Betacam. Hệ thống vận hành với một cánh tay robot được lập trình sẵn, tự động quét mã vạch trên băng hình betacam và bỏ vào khay phát đúng giờ. Việc này đã giúp các kỹ thuật viên giảm bớt áp lực sai sót, đặc biệt ở HTV7 khi kênh này có các chương trình quảng cáo dày đặc và phải chuyển băng liên tục.

Vào ngày 31/12/1999, 2 kênh HTV7 và HTV9 đã phát sóng 34 tiếng đồng hồ liên tục không nghỉ từ 14h ngày 31/12/1999 đến 0h ngày 02/01/2000 để chào đón năm 2000 với loạt chương trình bắn pháo hoa ở các nước trên thế giới xen kẽ với các chương trình thường ngày, lập kỷ lục về thời lượng phát sóng truyền hình ở thời điểm đó tại Việt Nam.

Năm 2000, HTV hoàn thành kế hoạch trẻ hóa nhân sự. Nhờ đó, việc sản xuất chương trình đã phát triển mạnh mẽ.

Để chứng minh sự tiên phong trong việc chuyển đổi kỹ thuật ghi hình và phát sóng từ analog sang kỹ thuật số, đầu tháng 9/2003, đài phát thử nghiệm DVB-T trên kênh 30 UHF, phát kênh HTV7, HTV9 và một số kênh khác. Sau đó không lâu, ngày 01/10/2003, kênh này lên sóng chính thức và HTV1, HTV2, HTV3, HTV4 cùng lúc ra đời[6]. Năm 2004, đài bắt đầu lắp đặt hệ thống server phát sóng tự động đồng bộ với Trung tâm Điều chế và Trung tâm Truyền dẫn - Phát sóng. Năm 2006, hệ thống được vận hành chính thức, thay thế cho hệ thống robot phát băng betacam sau hơn 7 năm hoạt động. Sự kiện này đánh dấu việc hoàn tất số hoá trong khâu sản xuất và lưu trữ nội dung tại HTV, chấm dứt sử dụng băng hình betacam sớm nhất trong cả nước. Cần nói thêm, hệ thống server phát sóng tự động mà HTV đầu tư là hiện đại nhất thế giới thời điểm đó. Trải qua nhiều lần nâng cấp, hệ thống này hiện vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn phát sóng cho HTV.

Tòa nhà Trung tâm Truyền hình HTV tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng. Đây là thiết kế của KTS. Nguyễn Trường Lưu, đoạt Giải Nhất Giải thưởng Kiến trúc TP.HCM năm 2006, đã trở thành một trong các kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM.Ảnh chụp năm 2015, gồm tòa nhà Trung tâm truyền hình mới bên cạnh khối nhà cũ có từ thời kỳ đầu của THVN9.

Năm 2005, lần đầu tiên từ sau 1975, HTV khởi xướng bước tiếp theo của "xã hội hóa" bằng việc hợp tác với các công ty truyền thông sản xuất chương trình. Vòng xoáy tình yêu mở màn cho Giờ vàng phim Việt theo cách đó, ngay lập tức lập kỷ lục người xem ở mức 60%. Hai năm sau, bộ phim học trò Gọi giấc mơ về lại tạo ra tỷ lệ người xem áp đảo cho HTV7 và tiếp tục "càn quét" ở các kênh truyền hình khác trong nhiều năm. Nhìn chung, Giờ vàng phim Việt tuy tạo ra nhiều tranh cãi về nội dung cũng như cách làm của HTV[7], nhưng việc mở cửa cho tư nhân hợp tác làm truyền hình đã tạo ra các sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn, điển hình là ở Gọi giấc mơ về. Cách làm này sau đó được nhân rộng trong cả nước.

Cũng năm 2005, sự kiện SEA Games 23 tại Phillippines đánh dấu việc HTV là đài truyền hình đầu tiên thực hiện cầu truyền hình trực tiếp giữa Việt Nam và nước ngoài. Đó là chương trình "Đồng hành cùng SEA Games 23" phát trực tiếp từ Philippines khoảng 15 phút mỗi ngày lúc 19:40 trên HTV9, liên tục từ 25/11/2005 - 05/12/2005[8]. Nhờ đó, khán giả có thể biết được kết quả thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam một cách nhanh nhất. Để làm được việc này, HTV đã thuê chỗ tại IBC, kênh vệ tinh, 2 xe và ekip 3 quay phim, 3 biên tập viên, 2 kỹ thuật dựng và 2 kỹ thuật viên phát sóng tác nghiệp ngay tại nước chủ nhà.[9]

Bên cạnh việc tổ chức truyền hình trực tiếp và đưa tin với các sự kiện thể thao lớn của thế giới, HTV cũng ghi dấu ấn mạnh khi lần đầu tiên tổ chức thành công cuộc thi Chinh phục đỉnh Everest. Ngày 22/05/2007, 3 vận động viên người Việt đầu tiên đã chinh phục nóc nhà thế giới[10].

Về ảnh hưởng, trong giai đoạn này HTV là một đài truyền hình rất mạnh, hoàn toàn không có đối thủ. Ngay cả VTV cũng chỉ là người đứng ngoài cuộc chơi và "không có cửa" để cạnh tranh với HTV về các mảng thể thao, giải trí. HTV mạnh đến mức, có thời điểm VTV mua bản quyền World Cup và phải năn nỉ HTV tiếp sóng hoặc cùng khai thác để có chỉ số rating cao nhằm thu hút quảng cáo[11].

Ngày 27/04/2006, sau năm năm khởi công xây dựng, HTV khánh thành Tòa nhà Trung tâm Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là Tòa nhà Trung tâm Truyền hình lớn nhất Việt Nam tính tới năm 2017 và đứng đầu cho tới nay nếu xét đến yếu tố tự chủ tài chính của một đài truyền hình. Tòa nhà được đầu tư hoàn toàn từ nguồn vốn của đài, cao 16 tầng với tổng diện tích sàn 19.462 m2, có 11 trường quay gồm 162 tỉ đồng cho xây dựng và 400 tỉ đồng cho trang thiết bị[12].

Về lĩnh vực truyền hình trả tiền, năm 2003, HTV thành lập Trung tâm Truyền hình Cáp HTVC. Sau một năm hoạt động, HTVC đã có 700.000 thuê bao tại TP.HCM, trở thành đơn vị truyền hình trả tiền lớn thứ hai tại Việt Nam ở thời điểm đó.

Người có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của HTV trong giai đoạn này là ông Phạm Khắc, Tổng Giám đốc đài từ 1996-2003.

Giai đoạn khủng hoảng, 2008-2015

Vị trí thống trị truyền hình Việt Nam của HTV bắt đầu bị lung lay từ đầu tháng 6/2008, khi UBND TP.HCM gửi công văn yêu cầu HTV hoãn tổ chức Vietnam Idol mùa 2[13]. Đây là điều lạ khi Vietnam Idol mùa 1 có lượng khán giả cao kỷ lục và không có vấn đề về nội dung. Cuộc thi sau đó không được tiếp tục phát sóng trên HTV mà chuyển qua VTV từ mùa 3 (2010), với một loạt xì-căng-đan lấn át chất lượng tranh tài[14].

Trong giai đoạn này, Ban lãnh đạo TP.HCM đã "cơ cấu" lại HTV bằng việc chuyển công tác hoặc sa thải các vị trí chủ chốt của đài, dẫn đến hệ lụy nhiều nhân viên HTV nghỉ việc và lập các công ty truyền thông riêng hoặc làm việc cho các đơn vị truyền thông khác. Các đơn vị truyền thông tư nhân này sau đó hợp tác với VTVTHVL. Cùng lúc đó, các đơn vị đang hợp tác với HTV cũng chuyển hướng: Nơi thì mở kênh truyền hình riêng, nơi thì quay sang hợp tác với VTV bằng những chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới và giật gân... Tiếp đến, tần số phát sóng & nội dung các kênh xã hội hóa của HTV bị thanh tra: Máy tiếp sóng HTV7 và HTV9 đặt tại nhiều tỉnh thành đã bị dừng hoạt động; Các kênh HTV2, HTV3, HTV4 bị buộc ngừng sóng analog tại TP.HCM; Dừng phát sóng nhiều chương trình giải trí trên HTV3 vì không đúng tiêu chí kênh[15][16]; Chuyển đổi HTV2 về với chức năng kênh Thể thao trong hơn một năm để bổ sung giấy phép[17]...

Đến tháng 7/2009, Truyền hình cáp HTVC bị xử lý vì phát "lậu" 34 kênh truyền hình[18]. Báo chí khi đó đưa tin đều để chữ "lậu" trong ngoặc kép vì thực tế, đây không phải là phát lậu như cách hiểu thông thường.

Dưới sức ép của các cơ quan quản lý từ năm 2008-2010 và tiếp tục bị quản lý chặt các năm sau đó, HTV dường như chỉ hoạt động cầm chừng: Tất cả các chương trình đều phải thực hiện theo đúng "đường lối, chủ trương"; Hãng phim TFS gần như mất hút sau khoảng thời gian đỉnh cao; các giải bóng đá lớn thưa dần...

Từ phía khán giả, sự khủng hoảng của HTV được cảm nhận rất rõ bằng cái "nhạt" ở tất cả chương trình, nhất là mảng giải trí, ngoại trừ một số ít chương trình phát sóng cuối tuần trên HTV7 như Người bí ẩn hay Thử thách cùng bước nhảy. Từ vị trí của một Đài truyền hình đứng đầu Việt Nam, HTV đã rớt hạng trên bảng tổng sắp rating ngay tại thị trường chủ lực là TP.HCM & Đông Nam Bộ. Nhưng trong cơn khủng hoảng đó, có một thực tế đáng ghi nhận ở HTV là đài vẫn không câu khách bằng xì-căng-đan[19].

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng HTV vẫn thể hiện vị trí tiên phong của mình trong nhiều hoạt động. Một loạt cầu truyền hình quy mô lớn không có quảng cáo được thực hiện trong năm 2009 tại các đảo Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo & Phú Quốc. Đỉnh điểm là cầu truyền hình ngày 17/10/2009 kết nối từ Nhà hát Truyền hình HTV với đảo Trường Sa Lớn giữa lúc xã hội đang sục sôi vì các diễn biến ngoài Biển Đông. Tiếp nối thành công này, ngày 29/06/2013, cầu truyền hình với đảo Song Tử Tây được thực hiện. Đó là những lần khán giả được xem trực tiếp hình ảnh từ Trường Sa, điều mà vẫn chưa có đài truyền hình nào khác làm được. Ngoài chủ đề biển - đảo, các chương trình cầu truyền hình về biên giới trên đất liền cũng được thực hiện hoành tráng, điển hình là "Âm vang biên giới" giữa Lai Châu, Kon Tum, An Giang và TP.HCM vào ngày 14/12/2013... Ở mảng tin tức, đầu tháng 1/2012, 60 giây tối chính thức lên sóng, tập trung vào những sự kiện xã hội. Với điểm nổi bật là sự trình bày nhanh, gọn, trẻ trung, hoàn toàn khác với kiểu "truyền thống" đến nhàm chán của Thời sự, ngay lập tức 60 giây đã tạo nên sức hút. Và chỉ sau đó không lâu, 60 giây tối đã thống trị rating mảng tin tức, kéo theo nhiều thay đổi tương tự ở các đài khác. Về kỹ thuật, sau khi vệ tinh Vinasat 1 được phóng thành công năm 2008, HTV là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng thuê kênh và phát sóng quảng bá các kênh của mình và nhiều kênh truyền hình địa phương khác.

Giai đoạn khủng hoảng của HTV khép lại sau khi TP.HCMBí thư Thành ủy mới.

Giai đoạn hồi phục, từ năm 2016 đến nay

Ngay sau khi TP.HCM thay đổi người đứng đầu, HTV cũng có Tổng Giám đốc mới từ tháng 4/2016 là ông Dương Thanh Tùng[20]. Sau đó, tháng 12/2016, ông Thái Thành Chung - Trưởng ban Chương trình và bà Diệp Bửu Chi - Trưởng ban Ca nhạc, được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc HTV[21]. Từ đó, nhiều đổi mới về kết cấu và nội dung chương trình đã bắt đầu trên các kênh HTV. Hàng loạt gameshow và chương trình ăn khách xuất hiện, kéo khán giả quay trở lại với HTV. Phần lớn các chương trình tập trung vào đối tượng khán giả trẻ, cách dẫn năng động và tươi mới, khác hẳn phong cách các thế hệ HTV trước đây.

Cùng với sự thay đổi quan trọng trên, việc triển khai số hóa truyền hình tại khu vực Nam Bộ bắt đầu chuyển sang giai đoạn nước rút. Thông qua SDTV, công ty con của HTV có chức năng phát sóng DVB-T2, vùng phủ sóng mặt đất của HTV đã mở rộng ra toàn khu vực Nam Bộ và được khán giả miền Tây đón nhận nồng nhiệt.

Năm 2018 là dấu mốc quan trọng đối với HTV trong việc phục hồi thị phần và lấy lại vị trí dẫn đầu ở miền Nam. Đặc biệt, mảng thể thao được đầu tư nhiều hơn sau thời gian dài trì trệ. Lần đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng các giải thể thao lớn - nhất là bóng đá, HTV đã mua bản quyền World Cup 2018[22][23][24][25].

Về kỹ thuật truyền hình, ngày 03/04/2018 đi vào lịch sử ngành truyền hình Việt Nam khi HTV lần đầu tiên trực tiếp toàn chặng không gián đoạn cho chặng đua Thanh Hóa – Nghệ An ở cúp xe đạp truyền thống của mình. Sự tiến bộ về kỹ thuật trực tiếp và cách thức tổ chức đã tạo rất nhiều bất ngờ cho khán giả, từ đó kéo theo lượng lớn người yêu xe đạp đồng hành cùng đoàn đua qua sóng truyền hình cũng như mạng xã hội. Với sức lan tỏa mạnh ngoài dự kiến, HTV đã trực tiếp hầu hết các chặng đua còn lại thay vì chỉ 21/30 chặng như kế hoạch ban đầu. Đỉnh điểm là chặng Huế – Đà Nẵng (qua đèo Hải Vân trong mưa lớn) và chặng Nha Trang – Đà Lạt (qua đèo Ngoạn Mục với địa hình đồi núi phức tạp), tín hiệu trực tiếp vẫn rất ổn định, mở ra giai đoạn mới của truyền hình thể thao tại Việt Nam.

Năm 2019, HTV lần đầu tiên tổ chức truyền hình trực tiếp tất cả các chặng đua của Cúp Truyền hình[26]. Với số lượng camera được tăng cường nhiều hơn (tổng cộng khoảng gần 20 máy) và kỹ thuật truyền dẫn tiếp tục cải tiến, khán giả yêu xe đạp đã được theo sát các diễn biến trên đường đua. Nhờ đó, HTV tiếp tục nâng cao vị thế của cuộc đua này[27].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đài_Truyền_hình_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh http://hplus.com.vn http://htv.com.vn http://www.htv.com.vn/bai-du-thi-lan-toa-cung-htv-... http://www.nhandan.com.vn/tphcm/chuyen-xua-chuyen-... http://abei.gov.vn/detail/danh-muc-cac-kenh-chuong... http://mic.gov.vn/shth/Pages/TinTuc/131789/SDTV-va... http://thethao.sggp.org.vn/cung-htv-dong-hanh-den-... http://www.sggp.org.vn/chuong-trinh-truyen-hinh-ch... http://www.sggp.org.vn/htv2-ngung-phat-song-phim-t... http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/tiep...